Bê trễ những dự án bất động sản gắn mác ngoại

Với các ví dụ nhãn tiền kể trên có thể thấy, không phải dự án nào gắn mác ngoại cũng là dự án xịn, đáng tin cậy. Đó cũng là bài học để người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp trong nước cẩn thận hơn để tránh phải “tiền mất, tật mang”.

Khi bắt đầu triển khai, nhiều dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Hà Nội được công bố hoành tráng, với kỳ vọng tạo nên những khu đô thị đáng sống, làm thay đổi bộ mặt đô thị của Thủ đô.

1 52313 Bê trễ những dự án bất động sản gắn mác ngoại

Dự án Booyoung Vina sau 10 năm thực hiện phần lớn vẫn chỉ là bãi đất trống. ảnh: Nguyên Minh

Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, những gì mà các dự án này mang lại là sự dang dở, nhếch nhác và những khu đất trống mênh mông.

Triển khai từ cuối năm 2010, Dự án Deawoo Cleve (quận Hà Đông) do Tập đoàn Inpyung (Hàn Quốc) đầu tư với tổng vốn đầu tư 420 triệu USD từng được nhắc đến như là một siêu dự án, với khoảng 5.000 căn hộ cao cấp. Thế nhưng, sau bước khởi đầu nhanh chóng để mở bán thu tiền, chủ đầu tư đã đột ngột dừng triển khai.

Cụ thể, 2 tòa tháp đầu tiên (CT2A và CT2B) trong tổng số 15 toàn tháp của dự án này chỉ được triển khai đến tầng 6, rồi “đắp chiếu” suốt từ cuối năm 2012 đến nay.

Do dự án không được triển khai, nhiều khách hàng mua nhà trước đó đã đòi tiền, nhưng chủ đầu tư khất lần và hứa sẽ tiếp tục triển khai, hoàn thành?

Tuy nhiên, mới đây, Tập đoàn Inpyung, chủ đầu tư Dự án Deawoo Cleve đã xin thay đổi quy hoạch. Theo đó, thay vì triển khai 15 tòa chung cư cao tầng, doanh nghiệp xin chuyển phần diện tích chưa triển khai sang nhà thấp tầng.

Những tưởng sau khi hoàn thành việc chuyển đổi, chủ đầu tư sẽ đẩy nhanh triển khai dự án dang dở để bàn giao nhà cho khách hàng. Thế nhưng, những khách hàng mua nhà tại dự án này lại thêm một lần nữa lo lắng khi chủ đầu tư cho tháo dỡ toàn bộ máy móc tại 2 tòa chung cư đang triển khai dang dở và dừng toàn bộ hoạt động tại công trình dự án này.

Việc tháo dỡ máy móc, thiết bị tại công trình tòa chung cư CT2A và CT2B khiến khách hàng đã lỡ nộp tiền mua nhà đứng ngồi không yên, vì không biết khi nào dự án mới được hoàn thành.

Cũng tại quận Hà Đông, một dự án bất động sản ngoại khác cũng rơi vào cảnh “sống dở, chết dở” là Dự án chung cư quốc tế Booyoung Vina. Dự án do Công ty TNHH Booyoung (thuộc Tập đoàn Booyoung Hàn Quốc) làm chủ đầu tư, được cấp phép đầu tư từ năm 2006, với tổng vốn đầu tư 171 triệu USD. Tại thời điểm dự án được cấp phép đầu tư, Booyoung Vina được coi là một dự án khủng.

Theo quy hoạch, Dự án Booyoung Vina có quy mô 4,3 héc-ta, gồm 6 tòa chung cư cao cấp cao 30 tầng, trải dài trên 6 ô đất tại Khu đô thị Mỗ Lao, quận Hà Đông.

Năm 2007, khi thị trường địa ốc đang lên cơn sốt, chủ đầu tư đã làm lễ khởi công dự án khá rầm rộ, nhưng việc triển khai sau đó bị đình trệ. Đến năm 2011, dự án tiếp tục được tái khởi động, nhưng vẫn thất bại.

Với việc đình trệ quá lâu, Dự án Booyoung Vina là một trong những dự án có vốn FDI có tên thường xuyên nhất trong các đợt kiểm tra, rà soát dự án chậm tiến độ tại Hà Nội. Tuy nhiên, dù đã có nhiều đợt rà soát, kiểm tra, nhưng đến nay, vẫn chưa thấy cơ quan quản lý đưa ra biện pháp xử lý mạnh tay với chủ đầu tư dự án này.

Sau nhiều năm “đắp chiếu”, tháng 9/2015, khi thị trường căn hộ có dấu hiệu nóng trở lại, chủ đầu tư Dự án Booyoung Vina bất ngờ triển khai công trình dự án trên 2 ô đất CT-06 và CT-07. Thế nhưng, các công trình này vẫn chưa hoàn thiện phần hầm, móng và đang đứng trước nguy cơ tiếp tục bị đình trệ.

Không bất động như Deawooo Cleve, hay Booyoung Vina, nhưng Dự án Splendora – Bắc An Khánh của An Khánh JVC, một liên doanh giữa Vinaconex với Công ty POSCO E&C (Hàn Quốc), cũng có tiến độ khá bê trễ. Dự án có quy mô trên 260 héc-ta, với vốn đầu tư lên đến 2,5 tỷ USD, được triển khai từ năm 2006 và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào năm 2018. Thế nhưng đến nay, dự án mới chỉ hoàn thiện được giai đoạn 1. Giai đoạn 2, theo ghi nhận thực địa của phóng viên Đầu tư Bất động sản, có hoạt động thi công khá lẻ tẻ và với quy mô cực lớn của dự án, việc hoàn thiện đồng bộ vào chưa đầy hai năm tới là một dấu hỏi lớn.

Một dự án khác là Garden City của liên doanh Berjaya – Handico 12 cũng có tiến độ khá bê trễ. Dự án này có quy mô trên 31 héc-ta, triển khai từ năm 2009, dự kiến hoàn thành vào năm 2012. Tuy nhiên đến nay, chỉ một phần dự án được triển khai, với những tiện ích hạn chế.

Với các ví dụ nhãn tiền kể trên có thể thấy, không phải dự án nào gắn mác ngoại cũng là dự án xịn, đáng tin cậy. Đó cũng là bài học để người mua nhà, nhà đầu tư thứ cấp trong nước cẩn thận hơn để tránh phải “tiền mất, tật mang”.

Cùng Danh Mục :

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

You may use these HTML tags and attributes: <a href="" title=""> <abbr title=""> <acronym title=""> <b> <blockquote cite=""> <cite> <code> <del datetime=""> <em> <i> <q cite=""> <s> <strike> <strong>